Mái nhà không chỉ có chức năng che nắng che mưa, mà còn là yếu tố quan trọng trong thiết kế kiến trúc. Tùy vào từng vùng miền và nhu cầu sử dụng, mái nhà có nhiều loại khác nhau như mái ngói, mái tôn, mái bằng hay mái Thái. Mỗi loại mái đều có những ưu nhược điểm riêng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng chống chọi với điều kiện thời tiết. Bài viết này Công ty Nguyên Phú sẽ giới thiệu đến bạn các loại mái nhà phổ biến và đưa ra các lưu ý để lựa chọn mái phù hợp cho ngôi nhà của mình.
Nội dung bài viết
1. Mái nhà là gì?
Mái nhà là bộ phận bao phủ phần trên cùng của một công trình, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ ngôi nhà khỏi các tác động của thời tiết như mưa, nắng, gió,… Đồng thời, mái nhà còn góp phần tạo nên giá trị thẩm mỹ và phong cách kiến trúc cho công trình. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, điều kiện khí hậu và vật liệu xây dựng, mái nhà có thể được thiết kế với nhiều kiểu dáng và kết cấu khác nhau. Ngoài chức năng che chắn, một số loại mái còn được tận dụng để mở rộng không gian sống, như sân thượng hoặc vườn trên mái, mang lại sự tiện nghi và hài hòa với thiên nhiên.
2. Cấu trúc của mái nhà
Mái nhà có hai bộ phận chính là kết cấu bao che và kết cấu chịu lực
2.1. Kết cấu bao che
Kết cấu bao che có nhiệm vụ bảo vệ ngôi nhà khỏi các yếu tố thời tiết, khí hậu và các tác động bên ngoài như mưa, nắng, gió, nhiệt độ. Các thành phần chính của kết cấu bao che gồm:
- Lớp lợp: Bao gồm các vật liệu như ngói, tôn, phibro xi măng, bê tông cốt thép, thủy tinh hay các vật liệu tự nhiên như lá, tranh, rạ. Lớp lợp giúp bảo vệ kết cấu chịu lực khỏi tác động của thời tiết và giữ các yêu cầu về cách nhiệt, chống thấm.
- Kết cấu đỡ lớp lợp: Bao gồm các bộ phận như xà gồ, cầu phong, lito, có nhiệm vụ nâng đỡ và giữ cho lớp lợp ổn định.
2.2. Kết cấu chịu lực
Kết cấu chịu lực đảm bảo mái nhà có thể chịu được các tải trọng và tác động từ môi trường, bao gồm tải trọng tĩnh như tải trọng của bản thân mái, lớp lợp và các kết cấu đỡ. Và chịu tải trọng động: Bao gồm các tác động từ gió, mưa, hoặc sự thay đổi tải trọng do bảo trì hoặc sửa chữa. Các thành phần của kết cấu chịu lực bao gồm.
- Hệ dầm: Các dầm bê tông cốt thép hoặc thép giúp phân bổ tải trọng từ mái xuống các cột hoặc tường của công trình.
- Dàn vì kèo: Các bộ phận chịu tải trọng chính của mái nhà, đặc biệt là trong các mái nhà dốc.
- Xà gồ với cầu phong, lito: Các thanh cấu kiện giúp giữ vững lớp lợp và đảm bảo mái không bị biến dạng dưới tải trọng.
- Kết cấu không gian: Bao gồm các kết cấu phức tạp như kết cấu dây căng, sườn không gian, hoặc mảng mỏng mặt xếp (các kết cấu mái nhà hiện đại).
3. Các loại mái nhà
3.1 Các loại mái nhà theo hình thức
Mái dốc

Mái dốc là một kiểu mái được nhiều người yêu thích nhờ nét thẩm mỹ và tương thích với khí hậu nắng nóng, mưa nhiều của Việt Nam. Mái có độ dốc giúp thoát nước mưa nhanh chóng và tạo sự thông thoáng cho công trình, đặc biệt trong mùa mưa. Trong các kiểu mái dốc, mái Thái được ưa chuộng nhờ vào thiết kế dốc mạnh, cao vút và tính thẩm mỹ đặc trưng. Mái Thái là lựa chọn phổ biến cho các công trình nhà ở, biệt thự cổ điển hoặc tân cổ điển tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, mái Nhật với thiết kế có xu hướng dốc nhẹ và độ nghiêng ít hơn so với mái Thái. Nó thường có hình dáng đơn giản, thanh thoát, với đường nét rất tinh tế. Được áp dụng trong các công trình mang phong cách hiện đại và tối giản. Hiện mái Nhật ngày càng được ưa chuộng tại các thành phố lớn với các công trình biệt thự hiện đại hoặc tân cổ điển của Việt Nam.
Một kiểu mái dốc lâu đời tại Việt Nam chính là mái trước sau. Loại mái này từng xuất hiện trong những công trình kiến trúc truyền thống, đặc biệt là các ngôi nhà phố cổ Hà Nội, Hội An và nhiều khu di tích khác. Mái trước sau có đặc điểm thiết kế với độ nghiêng nhẹ về phía trước và sau, giúp thoát nước mưa nhanh chóng và đồng thời tạo không gian thông thoáng, dễ chịu cho ngôi nhà. Kiểu mái này thường được áp dụng trong các ngôi nhà phố hay những công trình có diện tích nhỏ, nhờ vào khả năng tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và công năng sử dụng. Mái đổ trước sau không chỉ mang nét đẹp cổ kính, gần gũi mà còn phản ánh sự khéo léo, tinh tế trong nghệ thuật xây dựng.
Mái bằng

Mái bằng hay còn gọi là mái phẳng, là một kiểu mái phổ biến trong các công trình hiện đại như biệt thự, nhà ống, nhà phố hay các công trình cao cấp. Với thiết kế hoàn toàn phẳng, mái bằng không chỉ mang lại vẻ đẹp hiện đại, sang trọng và thời thượng mà còn có khả năng chống chịu tốt với các yếu tố thời tiết khắc nghiệt như mưa bão, gió lớn, và khô nóng nhờ cấu trúc bê tông vững chắc. Mái bằng không chỉ giúp tiết kiệm không gian mà còn dễ dàng tạo điểm nhấn cho khối kiến trúc của ngôi nhà. Thêm vào đó, gia chủ có thể tận dụng mái bằng làm sân thượng để trồng cây cảnh hoặc tạo không gian thư giãn cho cả gia đình.
Mái lệch
Mái lệch là một kiểu mái nhà có thiết kế độc đáo, với độ dốc không đều giữa các phía, tạo ra một hình dáng không đối xứng. Kiểu mái này mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam trong vài năm gần đây và thường xuất hiện trong các công trình như nhà phố mặt tiền, biệt thự, nhà cấp 4, hay nhà chữ L. Mái lệch có thể được biến tấu theo nhiều cách, như lệch về một phía hoặc nghiêng cả hai phía, tạo ra diện mạo mới lạ, độc đáo cho ngôi nhà. Mặc dù có cấu trúc cầu kỳ, mái lệch mang đến những lợi ích vượt trội về mặt thẩm mỹ và chức năng. Nó giúp cải thiện khả năng thoát nước, lưu thông không khí tốt, đồng thời tạo không gian sống rộng rãi, thoáng đãng.
Xem thêm: Đơn vị thiết kế kiến trúc Đà Lạt chuyên nghiệp
Mái Mansard
Mái Mansard là một kiểu mái nhà đặc trưng, mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, được phát triển bởi kiến trúc sư François Mansart vào thế kỷ 17. Mái Mansard không chỉ tạo nên vẻ đẹp thanh thoát, sang trọng mà còn tối ưu hóa không gian sống. Kiểu mái này giúp tận dụng diện tích ở tầng áp mái, biến nơi đây thành không gian sử dụng hữu ích như phòng ngủ, phòng làm việc hay phòng khách. Sự kết hợp giữa tính thẩm mỹ và công năng đã làm cho mái Mansard trở thành một lựa chọn phổ biến trong các công trình kiến trúc cổ điển và hiện đại.
Mái vòm
Mái vòm là kiểu mái có thiết kế cong, uốn tròn, mang lại vẻ đẹp sang trọng và ấn tượng cho không gian sống. Kiểu mái này không chỉ giúp tạo cảm giác thoáng đãng, rộng rãi mà còn có khả năng phân tán lực hiệu quả, làm tăng sự vững chắc cho công trình. Mái vòm thường được sử dụng trong các biệt thự, nhà ở cao cấp hoặc các công trình có phong cách kiến trúc cổ điển, mang lại điểm nhấn thẩm mỹ đặc biệt. Vật liệu làm mái vòm có thể là bê tông, ngói hoặc thép, tùy vào yêu cầu và phong cách thiết kế của ngôi nhà.
3.2 Các loại mái nhà theo vật liệu
Mái ngói
Mái ngói không chỉ là sự lựa chọn phổ biến trong kiến trúc, mà còn là biểu tượng quen thuộc của người Việt Nam, mang đến vẻ đẹp cổ kính, hoài niệm cho những ngôi nhà hiện đại. Với kết cấu chắc chắn và độ bền cao, mái ngói có khả năng chống chịu tốt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa bão, gió lớn hay hạn hán. Loại mái này cũng đặc biệt dễ thi công nhờ vào hệ thống vì kèo gồm xà gồ gỗ, sắt hộp và li tô để cố định. Thêm vào đó, việc sử dụng thép mạ trong quá trình thi công giúp kéo dài tuổi thọ của mái.
Mái ngói có đa dạng chủng loại như ngói đất nung, ngói sứ tráng men, ngói bê tông/ ngói xi măng, ngói đá, ngói Mediteriano/ ngói Địa Trung Hải, ngói nhựa, ngói hợp kim với các kiểu dáng và màu sắc phong phú. Tuy thi công mái ngói đơn giản, nhưng cần sự cẩn thận để tránh xuất hiện khe hở, điều này có thể ảnh hưởng đến độ bền của mái. Để giữ mái luôn bền vững và tránh tình trạng thấm dột, gia chủ nên hạn chế đi lại trên mái sau khi đã hoàn thành việc lợp.
Mái tôn
Mái tôn hay tôn lợp hay tôn (tole) là một lựa chọn phổ biến trong thiết kế nhà ở, đặc biệt là đối với các công trình như nhà cấp 4, nhà ống, nhà kho hay nhà xưởng. Với ưu điểm về giá thành rẻ, dễ dàng tìm mua và thi công, mái tôn giúp tiết kiệm chi phí và thời gian xây dựng. Chất liệu tôn nhẹ, dễ lắp đặt, tháo dỡ, mang đến sự tiện lợi trong quá trình thi công và có tuổi thọ khá lâu dài từ 20 đến 35 năm. Đặc biệt, mái tôn có nhiều mẫu mã, màu sắc đa dạng, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và chức năng của người sử dụng. Các loại tôn hiện nay còn được cải tiến với tính năng chống nóng, chống ồn, đặc biệt là tôn cách nhiệt, giúp giữ cho không gian bên trong luôn thoáng mát và dễ chịu. Có thể kể đến 1 số loại tôn như tôn lạnh, tôn mạ kẽm, tôn lợp giải ngói/tôn sóng ngói, tôn cán sóng, tôn mát/tôn cách nhiệt/tôn xốp cách nhiệt/tôn PU.
Mái bê tông cốt thép
Mái bê tông cốt thép là một lựa chọn phổ biến trong xây dựng, kết hợp giữa bê tông và cốt thép. Với khả năng chịu lực tốt và chống lại các yếu tố thời tiết khắc nghiệt như mưa, nắng, gió bão. Mái bê tông cốt thép không chỉ bảo vệ ngôi nhà mà còn góp phần gia cố cấu trúc mái. Loại mái này có thể áp dụng cho nhiều loại công trình, từ nhà ở, nhà máy đến các tòa nhà thương mại, với hai kiểu chính là mái bằng và mái dốc, tùy theo nhu cầu sử dụng và đặc thù của công trình. Sự linh hoạt trong thiết kế giúp mái bê tông cốt thép dễ dàng kết hợp với các loại mái khác như mái ngói, mái tôn, tạo nên sự hài hòa về thẩm mỹ cho ngôi nhà.
Mái kính
Mái kính được đánh giá là một trong các loại mái nhà đẹp, mang đến sự sang trọng và tính thẩm mỹ cao cho các công trình. Thường sử dụng phổ biến trong các công trình như nhà phố, quán cà phê hay các căn nhà liền kề. Mái kính không chỉ giúp tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên mà còn mở rộng không gian, tạo cảm giác thoáng đãng và gần gũi với thiên nhiên. Hệ thống mái kính thường được làm từ kính cường lực hoặc kính dán an toàn, kết hợp với các khung nhôm, inox hay sắt chắc chắn, gia cố bằng keo và phụ kiện spider để đảm bảo độ bền và an toàn. Dù quá trình thi công mái kính có phần phức tạp và đòi hỏi sự cẩn thận, nhưng với khả năng chịu lực tốt và tính ứng dụng linh hoạt, mái kính hiện nay đang trở thành lựa chọn phổ biến trong thiết kế các công trình kiến trúc.
Mái nhựa trong suốt
Mái nhựa trong suốt là một giải pháp lợp mái hiện đại, được sản xuất từ chất liệu nhựa cao cấp như polycarbonate, có nhiều ưu điểm hơn mái truyền thống như mái kính. Với trọng lượng nhẹ chỉ bằng một nửa và độ bền vượt trội, mái nhựa có khả năng chịu lực lớn gấp 200 lần so với kính. Đồng thời khả năng chống tia cực tím và cách nhiệt tốt giúp không gian luôn thoáng mát, dễ chịu. Bên cạnh đó, mái nhựa còn có khả năng xuyên sáng tốt, giúp tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Với giá thành phải chăng, mái nhựa trong suốt là lựa chọn lý tưởng cho các công trình như giếng trời, mái che sân thượng, ban công mang lại không gian mở rộng, thẩm mỹ và tiện lợi.
Tấm lợp sinh thái Bitum
Tấm lợp sinh thái Bitum là loại vật liệu lợp mái hiện đại, được sản xuất từ sự kết hợp giữa nhựa Bitum và sợi cơ, áp dụng công nghệ sản xuất cao cấp từ Pháp. Với thiết kế giả ngói, tấm lợp sinh thái Bitum không chỉ mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ bền vững theo thời gian. Mà còn sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội như khả năng chống nóng, chống ồn và đặc biệt là không gỉ sét. Ngoài ra, tấm lợp này còn có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống cháy nổ, chống oxy hóa và ngăn ngừa tia UV, đảm bảo độ bền lên đến 40 năm. Với các tính năng thân thiện với môi trường, tấm lợp sinh thái Bitum là sự lựa chọn lý tưởng cho các công trình tiện ích như khu nghỉ dưỡng ven biển, nhà máy sản xuất hay các công trình yêu cầu sự bền vững và an toàn cao.
4. Cách lựa chọn mái phù hợp
– Phong cách nhà: Là yếu ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn mái. Mái cần phải hài hòa với kiểu kiến trúc tổng thể của ngôi nhà. Các phong cách phổ biến có thể bao gồm:
- Phong cách cổ điển: Mái dốc, mái vòm với các đường nét tinh tế.
- Phong cách hiện đại: Mái bằng, mái phẳng, đơn giản nhưng hiệu quả.
- Phong cách Á Đông: Mái dốc, mái ngói đỏ với các chi tiết trang trí tinh xảo.
– Tài chính: Tùy thuộc vào ngân sách của gia chủ, các loại mái có thể được lựa chọn phù hợp:
- Mái ngói (mái dốc) thường có chi phí cao hơn nhưng bền đẹp.
- Mái tôn hoặc mái bằng (mái phẳng) có chi phí thấp hơn và dễ thi công hơn.
– Đảm bảo yếu tố “bài thủy – cách nhiệt – triệt lôi”: Các yếu tố này giúp tăng cường sự bền vững và an toàn của mái nhà:
- Bài thủy: Mái cần phải có khả năng chống nước tốt, giúp thoát nước mưa nhanh chóng và không gây thấm dột.
- Cách nhiệt: Mái cần có khả năng cách nhiệt để giảm nhiệt độ trong nhà, dù mùa hè hay mùa đông.
- Triệt lôi: Mái cần có tính năng chống sét, bảo vệ ngôi nhà khỏi các tai nạn do sét đánh.
– Phong thủy: Trong phong thủy, hình dáng mái nhà có thể ảnh hưởng đến năng lượng của ngôi nhà:
- Mái dốc (Hỏa): Mái dốc được cho là mang lại năng lượng dương, thúc đẩy sự phát triển và mạnh mẽ cho ngôi nhà.
- Mái bằng (Thổ): Mái phẳng biểu trưng cho sự ổn định và bền vững, thích hợp với những ngôi nhà cần sự ổn định, ít biến động.
- Mái vòm (Kim): Mái vòm tượng trưng cho sự bảo vệ, an toàn và có thể mang lại sự thịnh vượng, giàu có cho gia chủ.
Xem thêm
Mái nhà không chỉ là yếu tố chức năng mà còn góp phần tạo nên vẻ đẹp và phong cách riêng cho ngôi nhà. Việc lựa chọn mái phù hợp sẽ giúp bảo vệ và nâng cao giá trị thẩm mỹ cho công trình, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài.