Những vấn đề cần lưu ý khi xây dựng nhà phố

Nhà phố mang lại nhiều ưu điểm như vị trí thuận lợi và không gian sống tiện nghi trong khu đô thị nơi diện tích đất hạn chế và mật độ dân cư cao. Nhưng việc xây dựng nhà phố lại không hề đơn giản. Để đảm bảo công trình bền vững, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa không gian, có rất nhiều yếu tố cần được lưu ý từ khi bắt đầu lên kế hoạch cho đến khi hoàn thiện. Trong bài viết này, Công ty Nguyên Phú sẽ cùng bạn điểm qua những vấn đề quan trọng cần lưu ý khi xây dựng nhà phố, từ đó giúp bạn có một ngôi nhà đẹp, tiện nghi và đạt chuẩn chất lượng.

1. Nhà phố giải pháp cho đô thị chật hẹp

Nhà phố hay nhà ống, là kiểu nhà ở đặc trưng của đô thị, nơi tấc đất tấc vàng. Với đặc điểm dễ nhận biết là mặt tiền hẹp và chiều sâu lớn. Điều này khiến thiết kế và xây dựng nhà phố đòi hỏi sự khéo léo để tận dụng tối đa không gian.

Điểm nhấn của nhà phố là sự hài hòa giữa vẻ đẹp kiến trúc và công năng sử dụng. Vì diện tích hạn chế, nhà phố thường được thiết kế nhiều tầng, giúp tối ưu hóa diện tích sử dụng, nhưng vẫn mang đến không gian sống tiện nghi. Bên cạnh đó, phải đáp ứng những yếu tố pháp lý như mật độ xây dựng, khoảng lùi và quy định về chiều cao của công trình, để đảm bảo sự hài hòa trong kiến trúc đô thị.

Xây dựng nhà phố không chỉ đơn thuần là dựng một ngôi nhà. Đó là bài toán về ánh sáng, thông gió và công năng sử dụng hợp lý. Mục tiêu cuối cùng là tạo nên một tổ ấm vừa đẹp mắt, tiện nghi, vừa hòa nhập với nhịp sống đô thị hiện đại.

2. Xây dựng nhà phố cần quan tâm những vấn đề gì?

2.1. Diện tích và không gian sử dụng

Diện tích hạn chế là bài toán nan giải khi xây dựng nhà phố. Mặt tiền hẹp, chiều sâu dài tạo nên không gian sống chật chội và khó khăn trong việc bố trí các phòng ốc sao cho hợp lý. Điều này yêu cầu sự sáng tạo và tính toán kỹ lưỡng trong từng chi tiết thiết kế để đảm bảo ngôi nhà không chỉ đẹp mắt mà còn tiện nghi, thoải mái cho các thành viên trong gia đình.

Một trong những cách hiệu quả là lựa chọn đồ nội thất thông minh, có thể tích hợp nhiều chức năng hoặc có thể gấp gọn, di chuyển dễ dàng. Bên cạnh đó, việc sử dụng không gian chiều cao cũng là một giải pháp tuyệt vời. Việc thiết kế các tầng lửng hoặc sử dụng sân thượng làm không gian sinh hoạt thêm phần thông thoáng sẽ giúp tối ưu hóa diện tích, mang lại cảm giác rộng rãi hơn cho ngôi nhà. Ngoài ra, phân chia các khu vực chức năng cũng cần phải hợp lý và khoa học. Ví dụ, phòng bếp có thể kết hợp với phòng ăn để tiết kiệm không gian hoặc sử dụng các vách ngăn di động thay vì tường cố định. Các khu vực chung như phòng khách và phòng ăn có thể thiết kế theo phong cách mở, không có sự phân chia cứng nhắc.

2.2. Pháp lý và quy định xây dựng

Xây dựng nhà phố đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý và quy chuẩn xây dựng địa phương. Các yếu tố quan trọng cần lưu ý bao gồm:

  • Khoảng lùi: Đảm bảo khoảng cách hợp lý giữa công trình và đường phố, tạo không gian giao thông và thông thoáng.
  • Chiều cao tối đa: Tuân thủ quy định về chiều cao để tránh che chắn ánh sáng và ảnh hưởng đến các công trình lân cận.
  • Mật độ xây dựng: Đặc biệt quan trọng ở khu vực dân cư đông đúc, nhằm tránh quá tải hạ tầng.
  • Ngoài ra còn khá nhiều quy định khác cần quan tâm đến như độ cao nền, chỉ giới xây dựng, chiều cao từng tầng, không ảnh hưởng không gian chung hay nhà liền kề bên cạnh…

Việc xin giấy phép xây dựng nhà phố là bước không thể bỏ qua, đặc biệt với nhà nằm trong khu vực quy hoạch hoặc đô thị có yêu cầu thiết kế khắt khe. Ngoài ra, việc lựa chọn thiết kế cũng cần phù hợp với yêu cầu địa phương về màu sắc, vật liệu và hình dáng, đảm bảo hài hòa với tổng thể khu vực và tránh làm mất mỹ quan đô thị. Trong một số trường hợp, việc sử dụng vật liệu hoặc kiểu dáng công trình phải tuân theo quy định cụ thể.

2.3. Thiết kế mặt tiền nhà phố

Mặt tiền nhà phố là yếu tố quan trọng đầu tiên tạo ấn tượng với người nhìn, đặc biệt khi diện tích mặt tiền thường hẹp và hạn chế. Vì vậy, thiết kế mặt tiền hài hòa, ấn tượng và tinh tế là yếu tố cần được chú trọng.

Lựa chọn vật liệu và màu sắc đóng vai trò quan trọng trong thiết kế mặt tiền. Ưu tiên các vật liệu nhẹ, hiện đại như kính, bê tông nhẹ hoặc gạch ốp trang trí tối giản. Điều này vừa mang lại vẻ sang trọng, vừa tiết kiệm chi phí thi công. Về màu sắc, các tông trung tính như trắng, xám hoặc gam màu nhạt tạo cảm giác rộng rãi, thoáng đãng, đồng thời dễ dàng kết hợp với các yếu tố xung quanh.

Cửa sổ và ban công cũng là những điểm nhấn quan trọng, tăng cường cả thẩm mỹ lẫn công năng cho mặt tiền nhà phố. Cửa sổ lớn giúp đón ánh sáng tự nhiên, tạo sự thông thoáng cho không gian bên trong, giúp ngôi nhà không bị tối tăm dù không có sân vườn. Ban công nhỏ không chỉ là nơi thư giãn lý tưởng mà còn mang đến nét sinh động và sức sống cho ngôi nhà.

2.4. Thoát nước và thông gió

Thông gió và thoát nước hiệu quả là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng sống trong nhà phố chật hẹp. Thông gió giúp không khí trong lành, tránh ngột ngạt, ẩm mốc, bảo vệ sức khỏe gia đình.

Giải pháp thông gió tự nhiên hiệu quả bao gồm:

  • Giếng trời: Đặc biệt quan trọng để lấy sáng và gió tự nhiên, giảm cảm giác bí bách.
  • Cửa sổ và khe sáng: Tạo luồng không khí lưu thông dễ dàng giữa các phòng, mang lại môi trường sống thoải mái, khô thoáng.
  • Vị trí cửa sổ hợp lý: Đảm bảo gió lùa tự nhiên mà không gây gió lùa mạnh hoặc đưa không khí ẩm vào nhà.

Vấn đề thoát nước cũng cần được chú trọng. Hệ thống thoát nước hợp lý giúp tránh ứ đọng nước mưa, bảo vệ nền nhà và ngăn ngừa hư hại lâu dài. Các biện pháp cần thiết:

  • Thiết kế hệ thống thoát nước hiệu quả: Tránh ngập úng, đặc biệt ở sân thượng, ban công và khu vực tiếp giáp mặt đường.
  • Vật liệu chống thấm: Đảm bảo ngăn ngừa thấm dột.
  • Rãnh thoát nước và ống dẫn nước khoa học: Giúp nước thoát nhanh chóng, không ảnh hưởng đến các khu vực khác trong nhà. Như kích thước đường ống, độ dốc,…

2.5. Tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên

Ánh sáng tự nhiên nhà phố đặc biệt quan trọng khi không gian thường hạn chế về chiều ngang và kéo dài về chiều sâu. Tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên không chỉ mang lại sự sáng sủa, thoáng đãng mà còn tạo môi trường sống dễ chịu, tốt cho sức khỏe, tiết kiệm năng lượng và kết nối con người với thiên nhiên.

Các giải pháp tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên trong nhà phố được ưa chuộng bao gồm:

  • Giếng trời: Phương án đưa ánh sáng chiếu xuống các tầng dưới, đồng thời cải thiện thông gió, giảm cảm giác bí bách.
  • Cửa sổ lớn: Giải pháp đón ánh sáng vào từng không gian, đặc biệt là phòng khách và phòng ngủ.
  • Mái kính: Lựa chọn lý tưởng cho sân thượng hoặc ban công, vừa mang đến ánh sáng tự nhiên, vừa tạo cảm giác rộng mở.

2.6. Kỹ thuật thi công nhà phố

Khi tiến hành xây dựng nhà phố, thì quá trình thi công móng là yếu tố quan trọng. Đặc biệt khi nền đất đô thị thường không đồng đều và có thể không ổn định. Thiết kế móng (móng cọc, móng băng, móng đơn) cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo khả năng chịu lực và sự ổn định lâu dài cho công trình, phù hợp với điều kiện địa chất cụ thể. Một kinh nghiệm nhỏ, là gia chủ có thể tìm hiểu về hồ sơ thiết kế móng của nhà hàng xóm, càng chi tiết thì càng có lợi trong quá trình thi công. Ngoài ra, phương án thi công như ép cọc bê tông thì rẻ nhưng chỉ phù hợp với nền đất cứng. Với đất yếu phương án an toàn hơn lại là móng cọc khoan nhồi.

Trong suốt quá trình thi công, an toàn lao động và bảo vệ các công trình lân cận là yếu tố không thể xem nhẹ. Cần áp dụng các biện pháp thi công phù hợp để giảm thiểu tiếng ồn, bụi bặm và đảm bảo không gây ảnh hưởng đến kết cấu của các nhà xung quanh, đặc biệt trong giai đoạn thi công móng và các tầng thấp. Việc bảo vệ công trình lân cận và kiểm soát chất lượng thi công chặt chẽ sẽ giúp phòng tránh các rủi ro và sự cố không mong muốn.

Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn nắm bắt được những vấn đề quan trọng cần lưu ý trong quá trình xây dựng nhà phố. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về xây nhà phố Đà Lạt, hãy gọi ngay 0919916168 để được Công ty Nguyên Phú tư vấn nhé!


5 / 1